Nguyên tắc cần biết khi xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng cá nhân
Quy định xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng cá nhân đã được ban hành tại Khoản 1, Điều 4 của Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Các nguyên tắc mà bạn cần nắm khi xuất hóa đơn đối với đối tượng khách hàng này như sau:
- Người bán hàng phải thực hiện lập hóa đơn điện tử có mã hay không có mã cơ quan thuế và đưa cho người mua. Thông tin trên hóa đơn phải đầy đủ các mục theo quy định dù số tiền hàng hóa giao dịch là bao nhiêu.
- Người bàn nếu sử dụng máy tính tiền (siêu thị, tạp hóa…) có thể tiến hành lập hóa đơn ngay trên máy tính và kết nối thông tin dữ liệu đến cơ quan thuế. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì bắt buộc trước đó người bán phải đăng ký dùng hóa đơn điện tử được lập từ máy tính tiền.
Các trường hợp xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng cá nhân theo quy định
Việc xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng cá nhân sẽ có sự linh động thay đổi tùy theo những trường hợp cụ thể như sau:
Giao dịch hơn 200.000 VNĐ nhưng người mua không lấy hóa đơn
Đối với trường hợp này, người bán vẫn phải lập hóa đơn theo quy định và ghi rõ thông tin là “Người mua không lấy hóa đơn” hay là “người mua không cung cấp mã số thuế, tên, địa chỉ”. Đây là quy định bắt buộc mà bên bán hàng cần làm dù khách hàng có lấy hóa đơn hay không.
Đặc biệt, với các đơn vị kinh doanh xăng dầu, ngay cả khi khách hàng không lấy hóa đơn thì người bán vẫn phải lập chung 1 hóa đơn của những người mua xăng dầu nhưng không lấy hóa đơn trong ngày.
Trường hợp đơn hàng từ 200.000 VNĐ trở lên mà bên bán không lập hóa đơn sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 VNĐ – 20.000.000 VNĐ tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, người bán vẫn phải xuất hóa đơn và giao đến người mua sau khi nộp phạt.
Giao dịch dưới 200.000 VNĐ và người mua không lấy hóa đơn
Quy định xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng cá nhân trong trường hợp này không bắt buộc người bán phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, trong bảng kê bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, người bán cần phải ghi rõ thông tin gồm:
- Thông tin người bán (tên, địa chỉ, mã số thuế)
- Tên hàng hóa/ dịch vụ được bán
- Ngày lập bảng kê, tên và chữ ký của người lập bảng kê
Trong trường hợp người bán tiến hành nộp thuế GTGT bằng phương pháp khấu trừ thì phải ghi vào trong bảng kê phải ghi “Tiền thuế GTGT” và “Thuế suất GTGT”. Sau đó, bên bán phải tiến hành lập hóa đơn GTGT với số tiền hàng ghi rõ ở mục “Tổng cộng” với đầy đủ tên, chữ ký và giữ liên giao người mua lại. Trên hóa đơn ghi, tại mục người mua sẽ ghi “Bán lẻ không giao hóa đơn”.
Giao dịch không cần xuất hóa đơn GTGT
Một số trường hợp người bán không cần xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng cá nhân:
- Cá nhân/ tổ chức nhận tiền thưởng, tiền bồi thường, tiền chuyển nhượng hay những khoản thu tài chính xác. Trường hợp này được quy định rõ tại Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
- Khi giá trị hàng hóa dưới 200.000 VNĐ và bên mua không yêu cầu lập hóa đơn theo đúng quy định của Thông tư 39/2014/TT-BTC.
- Đơn vị kinh doanh tự xây dựng, tự sản xuất các tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh chịu thuế GTGT sẽ không cần lập hóa đơn. Đây là quy định được ban hành ở Thông tư 119/2014/TT-BTC.
- Ngoài ra, Thông tư 119/2014/TT-BTC cũng quy định, các hình thức cho vay, trả, mượn máy móc, thiết bị vật tư hay hàng hóa… nếu có đầy đủ hợp đồng, chứng từ theo quy định thì không cần lập hóa đơn hay nộp thuế GTGT.
- Các loại hàng hóa lưu hành nội bộ hay luân chuyển để phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh thì Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định không cần phải lập hóa đơn và không phải nộp thuế GTGT.
- Trường hợp xuất hàng hóa và ký gửi tại các đại lý cũng không yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định.