Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2023

Trong tháng 12/2023, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như: Giao dịch giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online từ ngày 1/12 là 115.000 đồng/lần, Gỡ “nút thắt” thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Người bị bạo lực gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh…

Giao dịch giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo ngân hàng nhà nước

Theo Quyết định 11/2023 thay thế Quyết định 20/2013 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12 các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trước đây là 300 triệu đồng).

Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

Cụ thể, đối tượng áp dụng với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính gồm: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; môi giới/tư vấn đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính cũng phải báo cáo gồm: Kinh doanh trò chơi có thưởng (casino; xổ số; đặt cược…); kinh doanh bất động sản trừ cho thuê, cho thuê lại bất động sản; kinh doanh dịch vụ kế toán; kinh doanh kim khí quý, đá quý; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp,…

Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online từ ngày 1/12 là 115.000 đồng/lần

Thông tư số 63/2023 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến có hiệu lực từ ngày 1/12.

Theo đó, mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe khi nộp hồ sơ online sẽ là 115.000 đồng/lần cấp, thay vì 135.000 đồng/lần cấp.

Từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 37/2023/TT-BTC.

Gỡ “nút thắt” thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Nghị định số 75/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ 3/12) với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ gỡ được các “nút thắt”, vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nghị định 75 bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bổ sung đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 100% và 95%. Trong đó, 2 đối tượng hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh gồm: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; người dân xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3 đối tượng hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh gồm: Vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/vợ khác đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sỹ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống, hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sỹ khi còn sống.

Người bị bạo lực gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh

Để quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.

Theo đó, Điều 38 Nghị định 76/2023/NĐ-CP đã quy định mức hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình gồm các khoản:

Tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình: Theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc: Mức chi như đối tượng bảo trợ xã hội.

Thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Sửa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình

Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ ngày 1/12/2023.

Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.

Hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý trả lời về thiết kế phòng cháy chữa cháy tại bước thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện thẩm duyệt thiết kế theo văn bản góp ý trả lời.

Hồ sơ thiết kế xây dựng chưa được góp ý và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày 1/12/2023, thì phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ

Mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc nêu tại Thông tư 82/2023 của Bộ Quốc phòng sẽ có hiệu lực từ 19/12.

Cụ thể điều chỉnh tăng thêm như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2,285 triệu đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2,388 triệu đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2,494 triệu đồng/tháng;

Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2,598 triệu đồng/tháng; từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp 2,7 triệu đồng/tháng.

Chính thức đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng

Nghị định số 81/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/12.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Thanh tra Chính phủ gồm 19 đơn vị, cơ bản giữ nguyên như trước đây. Tuy nhiên, Cục Phòng, chống tham nhũng đã được đổi tên thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV). Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã được đổi thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *